Cơn đau của một trận đòn roi có thể quên nhanh nhưng có những câu nói trở thành nỗi ám ảnh theo suốt tuổi thơ của nhiều người, điều mà đôi khi trong cuộc sống chúng ta quên mất. Đó là hậu quả của bạo lực ngôn từ. Cùng Dacademy tìm hiểu
Bạo lực ngôn từ là gì
Bạo lực ngôn từ trong tiếng Anh còn gọi là verbal abuse, là một hành vi sử dụng lời nói và ngôn từ vượt quá giới hạn cho phép. Bạo lực ngôn từ có thể thể hiện sự đe dọa, xúc phạm hoặc hạ thấp giá trị của người khác và khiến cho nạn nhân cảm thấy bị tổn thương hoặc sợ hãi.
Các hình thức của bạo lực ngôn từ
Theo Psych Central, bạo lực ngôn từ thường được thể hiện qua các hành động cụ thể như sau:
- Đổ lỗi (blaming): Làm cho bạn cảm thấy rằng bạn đã làm điều gì đó không đúng và bạn phải hứng chịu hậu quả.
- Chỉ trích (criticizing): Sử dụng những từ ngữ phán xét, chỉ trích, gay gắt, không mang tính xây dựng và cố ý gây tổn thương.
- Làm nhục (humiliating): Xúc phạm, làm nhục, coi thường và khiến bạn phải xấu hổ ở nơi riêng tư hoặc ở chốn đông người.
- Đe dọa (threatening): Đưa ra những lời nói với mục đích đe dọa, khiến bạn sợ hãi và điều khiển bạn bằng nỗi sợ đó.
- Gaslighting: Làm cho bạn cảm thấy nghi ngờ về nhận thức, khả năng của bản thân; hay còn gọi là thao túng tâm lý.
Hậu quả của bạo lực ngôn từ
Những hậu quả do bạo lực ngôn từ
- Trầm cảm
- Căng thẳng mạn tính
- Giảm lòng tự trọng
- Lạm dụng chất kích thích
- Rút lui và trở nên sợ xã hội
- Tăng nguy cơ thúc đẩy muốn tự tử
- Cảm thấy xấu hổ, tội lỗi và tuyệt vọng
- Nguy cơ mắc phải rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD).
Bên cạnh hành vi bạo hành về thân thể, bạo lực tinh thần cũng gây ra những tác hại khôn lường. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết về tác hại của nó bởi “lời nói gió bay”. Thậm chí, nhiều lúc đó chỉ là những câu nói đùa.
Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), 50% trẻ em và thanh thiếu niên từ độ tuổi 13 – 15 trên toàn thế giới từng bị ảnh hưởng bởi bạo lực ngôn ngữ ở trường học. Trung bình, cứ 3 người, sẽ có hơn 1 người từng bị bắt nạt.
Tuy nhiên, bạo lực ngôn ngữ và bắt nạt không chỉ diễn ra trong phạm vi trường học. Tình trạng này có thể xảy ra mọi nơi ở xung quanh chúng ta, thậm chí là đến từ những người thân yêu nhất.
“Đồ vô dụng, đồ vô tích sự”, “Con tôi không có cái thứ ngu dốt như thế này”, “Sao lại có cái loại chỉ có ăn với học mà cũng làm không xong”,… Những câu nói tưởng chừng như “lời nói gió bay” lại ẩn chứa một sức mạnh kinh hoàng có thể dẫn đến những hậu quả cực kỳ khó lường.
Theo một cuộc khảo sát, hơn 60% phạm tội vị thành niên đã bị bạo lực ngôn ngữ từ cha mẹ họ.
Kết quả nghiên cứu của Tiến sĩ Martin Teicher thuộc Trường Đại học Y khoa Harvard (Mỹ) cho thấy bạo lực ngôn ngữ lại có tác động trực tiếp đến các vùng não của con người, bao gồm khu thể chai (Corpus callosum), khu hồi hải mã (Hippocampus – một bộ phận của não trước, nằm bên trong thùy thái dương) và thùy trước. Đây là 3 bộ phận chi phối về nhận thức, quản lý cảm xúc, suy nghĩ và ra quyết định.
Một đứa trẻ nếu thường xuyên phải nghe những lời mắng mỏ, chê bai, thậm chí mang đầy tính bạo lực và xúc phạm trong đó, chắc chắn sẽ không thể phát triển một cách bình thường.
Thay vào đó, những tính cách tiêu cực như hèn nhát, kém cỏi, dễ nóng giận, ác cảm với tất cả mọi thứ xung quanh sẽ dần hình thành khiến cha mẹ càng ngày càng thất vọng. Từ đó, phụ huynh càng chửi mắng, dọa nạt nhiều hơn, tạo nên một vòng luẩn quẩn trong cuộc sống.
Đáng sợ hơn, khi những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực bị vượt ngưỡng chịu đựng, hậu quả là điều không ai có thể kiểm soát được. Đó có thể là một vụ tự tử đầy đau thương hay vụ giết người, xả súng hàng loạt vì muốn trút bỏ sự tổn thương và tủi nhục một cách cực đoan khi không thể kiểm soát nổi nhận thức và hành động.
Tóm lại, bạo lực ngôn từ là hành vi sử dụng ngôn ngữ vượt quá giới hạn, thể hiện khi nói hoặc viết nhằm đe dọa, xúc phạm, hạ thấp giá trị người khác, gây ra những tổn thương tâm lý cho người tiếp nhận.